Quang cảnh hội nghị
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giúp tăng cường giáo dục kĩ năng công dân số vào chương trình giảng dạy cấp tiểu học.
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ tại hội nghị
Tại hội nghị, TS.Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã thông tin những định hướng chỉ đạo thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài, việc giúp học sinh tiểu học có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời, giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số...
Có 4 hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số, gồm: dạy học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học, dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số và tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.
Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên Tin học của các trường Tiểu học trong quận Cầu Giấy tham dự hội nghị
Cũng tại hội nghị, ThS. Cao Hồng Huệ, Viện Công nghệ Thông tin - ĐHSP Hà Nội 2 đã trình bày về khung năng lực số và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học.
TS. Phạm Ngọc Anh, Quận ủy viên, Trưởng phòng GD ĐT quận phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh, Quận ủy viên, Trưởng phòng GD ĐT quận Cầu Giấy đề nghị, trong năm học 2024-2025, BGH các trường sẽ triển khai tới 100% giáo viên trên địa bàn quận việc giáo dục kỹ năng công dân số. Giáo viên (ngoài giáo viên dạy môn Tin học) nghiên cứu nội dung chương trình môn học, phương pháp phù hợp để thực hiện tích hợp hiệu quả nội dung giáo dục kỹ năng công dân số. Khi giảng dạy, giáo viên cần kết hợp và trực tiếp phát triển các năng lực chung cho học sinh như: Tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo…
Trưởng phòng GDĐT Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cũng khuyến khích giáo viên sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, tự học và tính chủ động của học sinh; yêu cầu học sinh không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn biết kiểm chứng hiệu quả giải pháp thông qua sản phẩm số. Với một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề không nhất thiết phải sử dụng máy tính.
Các đại biểu tại hội nghị
Việc hình thành các kĩ năng cần thiết về công dân số cho học sinh nhằm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Giáo dục kĩ năng công dân số cho học quận Cầu Giấy là công việc mới và là vấn đề có nhiều khó khăn nên khâu chuẩn bị rất quan trọng, cấp thiết.
Đặc biệt, để làm tốt nội dung tuyên truyền, tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, nhà trường đã xác định và nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai. Bởi thí điểm không chỉ là được thực hiện ở một thời điểm mà diễn ra thường xuyên và liên tục. Vì vậy trên hành trình thực hiện cái mới và vượt khó này để có được thành công đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn các nhà trường. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của toàn xã hội. Sự nỗ lực và sáng tạo sẽ giúp giáo dục Tiểu học Cầu Giấy hoàn thành tốt nội dung giáo dục kĩ năng công dân số theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Một chương trình giúp học sinh phát triển toàn diện.