Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Kế hoạch số 91 - KH/QU ngày 12/7/2022 của Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về Tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn “Tài liệu giảng dạy lịch sử truyền thống, cách mạng quận Tây Hồ”. Đây chính là tài liệu thúc đẩy học sinh quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu lịch sử địa phương hiệu quả hơn; giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, tự hào về vùng đất và con người Tây Hồ mà sử sách ca ngợi là vùng đất “Địa linh - nhân kiệt”, là vùng danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vùng đất thiêng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trong thời gian qua, tại quận Tây Hồ, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương, gióa dục di sản văn hóa đã được các trường học quan tâm và có rất nhiều phương pháp để truyền đạt cho các em học sinh được tiếp cận. Không chỉ gói gọn qua các bài học lịch sử, địa lý, ngữ văn…. giáo dục truyền thống còn trở nên đầy hấp dẫn thông qua rất nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa....
Để các em nắm bắt lịch sử truyền thống một cách trực quan sinh động nhiều trường học trên địa bàn quận Tây Hồ đã tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm thực tế tại các Di tích lịch sử. Nhằm khơi dậy tình yêu lịch sử và tìm hiểu di sản văn hóa tại địa phương cho học sinh, ngày 15/5/2023, tại di tích đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ đã tổ chức Chuyên đề giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh nhân dịp Lễ hội truyền thống Kỷ niệm 995 đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Tham dự chương trình có đồng chí Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận cùng đại diện các phòng, ban, ngành thuộc quận, Hiệu trưởng, Tổng phụ trách các trường học và học sinh khối 5 trường Tiểu học Đông Thái. Đây là hoạt động ngoại khóa được quận Tây Hồ chọn làm điểm trong chuỗi hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa đền Đồng Cổ. Tại chương trình, các đại biểu, thầy cô và các em học sinh thực hiện nghi lễ dâng hương, tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao của vị Sơn thần Đồng Cổ. Sau lễ dâng hương, các em học sinh được ông Phạm Hoàng Mưu - Trưởng Tiểu ban di tích Đông Xá giới thiệu về lịch sử đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu; giải đáp thắc mắc của các em học sinh về nghi lễ Lễ hội đền Đồng Cổ. Các em được tham gia hoạt động trải nghiệm: Thi tìm hiểu về đền Đồng Cổ theo hình thức rung chuông vàng; vẽ tranh, viết cảm xúc về đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu; thưởng thức màn trống hội của các thành viên trong đội trống Ban Di tích và học sinh trường Tiểu học Đông Thái. Các hoạt động này giúp các em học sinh hiểu được lịch sử của di tích đền Đồng Cổ; hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị của “Lời thề Trung Hiếu”; các giá trị văn hóa trong các hoạt động của lễ hội đền Đồng Cổ. Qua đó thêm yêu mến, tự hào về truyền thống địa phương, có ý thức bảo vệ giữ gìn, phát huy những di sản của địa phương và trên đất nước.
Tiếp nối chuyên đề trên, đồng loại các nhà trường trên địa bàn quận Tây Hồ đã triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Tiêu biểu như: Trường Tiểu học Chu Văn An đã đưa học sinh đến thăm tượng đài Lý Tự Trọng nhân dịp chào mừng 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022), qua đó giáo dục học sinh lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc tới Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931) là người đoàn viên, thanh niên ưu tú, đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Hay tại Văn Miếu Quốc Tử Giám các bạn học sinh trường Tiểu học Chu Văn An A được kết nạp Đội và tham quan tại Văn Miếu. Các em được được tìm hiểu về trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, về truyền thống hiếu học, thi cử lâu đời của cha ông, được tham quan khu di tích , được tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An - người thầy lỗi lạc được thờ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trường Tiểu học Phú Thượng tổ chức cho đại diện thầy cô giáo và học sinh đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thăm di tích lịch sử cấp Quốc gia vừa được công nhận tại địa phương: Nhà cụ Nguyễn Thị An – nơi Bác Hồ đã dừng chân nghỉ lại trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội (từ ngày 23 đến ngày 25/8/1945) và Bác trở lại thăm nơi đây ngày 24/11/1946, qua đó giáo dục học sinh lòng yêu nước, tình yêu quê hương và lòng tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương Phú Thượng anh hùng. Đặc biệt, nhiều trường đã gắn giáo dục địa phương với các lễ hội truyền thống như trường Tiểu học Nhật Tân cho học sinh tham dự lễ hội Rước nước để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Trần. Trường Tiểu học Tứ Liên tổ chức học sinh tham gia Lễ hội Đình Nội Châu với các hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa.
Có thể khẳng định rằng thời gian qua, các trường học trên địa bàn quận Tây Hồ đã triển khai rất hiệu quả những hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ. Vì vậy, trong năm học 2023 - 2024, Phòng GDĐT quận Tây Hồ tiếp tục tham mưu UBND quận xây dựng và ban hành kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 21/9/2023 về việc Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương Tây Hồ cho học sinh các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn quận. Với 22 chủ đề giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương cấp THCS và 51 chủ đề đối với cấp Tiểu học đăng kí thực hiện, chắc chắn đây sẽ là những buổi học với các hoạt động trải nghiệm thực tế ý nghĩa để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống địa phương, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của địa phương./.