Sau buổi họp trực tuyến triển khai, các trường đã tổ chức cấp trường từ ngày khai giảng đến hết ngày 15/9. Hoạt động này vừa khơi dậy sự sáng tạo của học sinh cũng vừa là dịp để học sinh sống lại với các giá trị truyền thống. Các em nhiệt tình tham gia làm đồ chơi Trung thu từ những nguyên vật liệu dễ kiếm, không hề đắt tiền, áp dụng kiến thức Vật lý, Công nghệ, Mỹ thuật, Lịch sử… để làm ra những sản phẩm STEM dễ thương, lại mang tính thực tiễn cao.
Đặc biệt, dù ở trong vùng ngập lụt, các em học sinh trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm) vẫn có thể tranh thủ những giờ học STEM quý báu để sáng tạo và hoàn thành nhiều đồ chơi thú vị, đẹp mắt bằng những vật liệu tái chế ngay tại lớp học. Các sản phẩm đẹp nhất được gửi về Ban tổ chức để trao giải với những phần thưởng hấp dẫn khiến các em rất thích thú.
Tuy nhiên, phần hào hứng, gay cấn chính là phần giao lưu thi đấu trực tiếp tại trường THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) đúng vào ngày 17/9/2024 - Rằm Trung thu. 6 trường tham gia đã cử 10 thành viên ưu tú nhất để dự 2 phần thi rất lí thú: Thi làm sản phẩm Trung thu và Thi trình bày ý tưởng sáng tạo. Điều rất tuyệt vời, chính là mỗi đội thi sẽ gồm 10 bạn của cả 6 trường được chia ngẫu nhiên. Điều này làm tăng tinh thần đoàn kết, năng lực làm việc nhóm, kỹ năng sống của các em thể hiện rất rõ nét và được nâng cao qua từng hoạt động.
Ở phần thi thứ nhất, các đội có 40 phút để hoàn thành một sản phẩm STEM đồ chơi Trung thu từ những vật dụng Ban tổ chức đã chuẩn bị. Khó có thể diễn tả hết sự vào cuộc nhanh chóng, năng động, sáng tạo của các thành viên mỗi đội. Các em đã phân công công việc rất cụ thể, ai vào việc nấy để tạo nên những đồ chơi hết sức đáng yêu, khiến Ban tổ chức và học sinh cổ vũ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Phần thuyết trình sau đó là đấu loại trực tiếp. Đội thắng sẽ vào bán kết và chung kết.
Các đội trưởng cầm sản phẩm và thuyết trình trước Ban giám khảo vô cùng công bằng và khách quan là các em học sinh tiểu học (đối tượng chính trong việc sử dụng đồ chơi Trung thu). Cách Ban tổ chức làm việc dưới sự điều hành của nhà giáo Hà Lam Sơn - chuyên viên Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội khiến cho các đội chơi và người xem cảm thấy rất thú vị và hào hứng.
Phần thuyết trình ý tưởng sản phẩm STEM rất linh hoạt. Các đội có thể lựa chọn 2 đề bài: Thiết kế đèn cứu hộ dùng trong bão lũ; Vẽ đèn Trung thu trong tương lai (năm 2030). Sau 15 phút, các đội trình bày ý tưởng một cách tự tin, mạch lạc với nhiều sáng tạo khiến Ban Giám khảo rất khó khăn để lựa chọn đội thắng cuộc. Ngày hội trải nghiệm kết thúc trong tâm trạng vui vẻ, hứng khởi của cả thầy và trò.
Phát biểu cảm xúc sau khi tham gia, bạn Ngọc Trinh, học sinh lớp 6A1, trường THCS Chương Dương ( quận Hoàn Kiếm) hào hứng chia sẻ: “Hoạt động lần này rất bổ ích và lý thú. Em không chỉ biết thêm nhiều bạn mới mà còn học được nhiều điều thú vị. Em biết áp dụng kiến thức liên môn để tạo nên sản phẩm đèn Trung thu đẹp mắt. Hơn nữa, em có cơ hội làm việc nhóm với các bạn từ nhiều trường khác nhau. Điều đó rất vui và ấm áp. Em mong sẽ được tham gia những sân chơi như này nhiều lần nữa”.
Những hoạt động STEM kể trên sẽ không chỉ thắp sáng đêm Trung thu lung linh cho các em mà còn thắp lên khao khát chinh phục tri thức để làm nên những điều kì diệu trong cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động này góp phần xây dựng và phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong thế hệ trẻ, bồi đắp cho các em học sinh kiến thức, sự sáng tạo, cùng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó cũng khẳng định, Thủ đô Hà Nội tiếp tục là lá cờ đầu toàn quốc về quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn...so với cả nước./.