Sáng 25-11, tại Trường THCS An Khánh, UBND huyện Hoài Đức tổ chức Lễ hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) và tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Về dự buổi Lễ có bà Trần Thị Vân Anh - Phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP Hà Nội; bà Trần Thị Thu Hà - Trưởng phòng CTTT-HSSV, Bà Lý Thị Thúy Hạnh - Giám đốc trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội; về phía UBND huyện Hoài Đức có ông Nguyễn Trung Thuận - Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch UBND huyện và các đồng chí Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Huyện đoàn, Trung tâm VHTT&TT, ông Vương Văn Lâm, HUV Trưởng phòng GDĐT huyện, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Văn hoa -Thông tin, đại diện lãnh đạo và công chức văn hóa xã An Khánh, An Thượng; Hiệu trưởng các trường MN,TH, THCS, giáo viên dạy bộ môn Giáo dục địa phương các trường TH, THCS và CBGVNV, học sinh trường THCS An Khánh, với sự tham gia của gần 700 người.
Đ/c Nguyễn Trung Thuận - UVBTV phó chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Hoài Đức là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước. Do đó, địa bàn huyện phong phú cả về di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Theo Danh mục tổng kiểm kê di tích toàn thành phố huyện Hoài Đức có 269 di tích. Tính đến tháng 5-2024, toàn huyện có 111 di tích được xếp hạng, trong đó có 69 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp thành phố. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hàng loạt các di tích thờ Lý Bí - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam và Lý Phụ Man - người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI.
Theo Danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 1511/QĐ-SVH&TT ngày 6/12/2016 của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố, huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ và 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Tính đến hết năm 2024, trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, huyện Hoài Đức có 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Hoài Đức cũng là nơi tập trung nhiều người tâm huyết, sáng tạo, đặc biệt là các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong mối quan hệ giữa di sản văn hoá phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hoá người Hoài Đức, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, năng động và sáng tạo trong thực hành di sản, góp phần lớn trong việc trao truyền những giá trị tinh tuý của văn hoá hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hoá cho con người Hoài Đức. Tiêu biểu là 2 nghệ nhân Nhân dân, 4 nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể loại hình nghệ thuật hát Ca trù, nghệ thuật Tuồng.
Đồng chí Nguyễn Trung Thuận khẳng định: Việc bảo vệ, gìn giữ, tạo điều kiện để các loại hình di sản văn hoá phi vật thể có không gian thực hành, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các nhà trường và toàn xã hội.
Tại lễ hưởng ứng ngày Di sản Việt Nam có sự tham gia biểu diễn, truyền dạy của các Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú thuộc Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu xã An Khánh thể hiện các thể cách hát liễu, hát nói…
Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu xã An Thượng với tiểu phẩm “Lửa thiên trường”, với nội dung ca ngợi Trần Bình Trọng - một danh tướng nhà Trần có công lớn hộ giá, bảo vệ vua trong cuộc chiến với quân Nguyên-Mông năm 1285
Thông qua buổi biểu diễn, truyền dạy, góp phần cung cấp cho các học sinh những kiến thức cơ bản về vốn văn hoá truyền thống, giúp các em hiểu, trân trọng, gìn giữ và thắp sáng ngọn lửa di sản, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.
Cũng tại buổi lễ, các học sinh Trường THCS An Khánh tham gia thi tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện với 03 nội dung phần thi chào hỏi, phần thi hiểu biết, phần thi tài năng, thông qua đó giúp học sinh có thêm hiểu biết về các loại hình văn hóa phi vật đồng thời giáo dục ý thức bảo tồn, gìn giữ kho tàng văn hóa phi vật thể của cha ông ta.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa & Thông tin, ngành Giáo dục huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện tới nhân dân, học sinh. Các nhà trường chủ động, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động để các em học sinh - thế hệ trẻ tương lai của đất nước có nhiều có hội tìm hiểu, tiếp cận, thắp ngọn lửa đam mê đối với các loại hình di sản, giá trị văn hóa truyền thống.